Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

6 lợi ích tuyệt vời của nước ép gừng

Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

Gừng có thuộc tính chống tiểu đường và có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nó giúp làm giảm hàm lượng đường huyết ở người bệnh tiểu đường và ngay cả ở những người không bị tiểu đường. Một cốc nước ép gừng có thể giúp kiểm soát cả hàm lượng đường khi đói.

Làm chậm lão hóa tâm thần

Vì các hợp chất phenol và flavonoid có trong gừng nên nước ép gừng cũng có thuộc tính bảo vệ dây thần kinh. Nước gừng đặc biệt giúp tăng hàm lượng protein trong não cùng với nhiều thành phần khác giúp não khỏe mạnh. Cần nhớ là việc giảm hàm lượng protein, đặc biệt khi về già, dẫn tới những bệnh như Alzheimer và các rối loạn tâm thần khác.

Chống ung thư

Gừng có chứa một số thành phần phenolic và không bay hơi có hoạt tính sinh học như gingerol, paradol, shogaol và gingerone. Theo một nghiên cứu, các chiết xuất gừng cũng có thuộc tính chống ung thư giúp kiểm soát ung thư tuyến tiền liệt.

Gừng cũng có tác dụng trị buồn nôn, kiết lỵ, ợ nóng, đầy hơi, tiêu chảy, chán ăn, nhiễm trùng, ho, viêm phế quản. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, gừng và các thành phần hoạt chất của nó bao gồm gingerol 6 và shogaol 6 có hoạt tính chống ung thư giúp chống lại ung thư dạ dày-ruột.

Giảm cholesterol

Ngoài kiểm soát hàm lượng đường huyết, nước ép gừng cũng được cho là có tác dụng hạ cholesterol.

Giảm đau do viêm khớp

Chiết xuất gừng có thuộc tính giảm đau và nó rất tốt cho những người bị đau đầu gối mạn tính.

Cách sử dụng

Rửa sạch củ gừng, cắt thành những miếng nhỏ, cho một chút nước và bỏ vào máy xay nghiền nát. Sau đó gạn nước ra 1 cái cốc. Vắt 1/2 quả chanh hoặc thêm mật ong nếu muốn tăng thêm hương vị.

BS Tuyết Mai/univadis

(Theo THS)

Thuốc chữa hiếm muộn do u xơ tử cung

Do vậy, điều trị u xơ tử cung vừa có ý nghĩa giúp việc thụ thai dễ dàng hơn, đồng thời giúp an thai. U xơ tử cung là căn bệnh thường gặp, có tỉ lệ mắc lên tới 30% ở những phụ nữ từ 30 - 50 tuổi. Hầu hết các u xơ tử cung lành tính. Nguyên nhân gây u xơ tử cung chưa rõ nhưng một số nghiên cứu chứng minh sự tăng trưởng của bệnh có liên quan đến các kích thích tố nữ estrogen và progesterone. Y học cổ truyền cho rằng, u xơ tử cung là do khí huyết tắc trệ.

Thuốc chữa hiếm muộn do u xơ tử cung

Dùng bài thuốc chữa u xơ tử cung

Có nhiều loại u xơ tử cung. Nếu u xơ nằm ở mặt ngoài tử cung, khi phát triển lớn hơn có thể gây đau. U xơ trong cơ tử cung là loại phổ biến nhất và rất dễ phát triển lớn. U xơ dưới niêm mạc tử cung dễ dẫn đến chảy máu nặng và các biến chứng khác; khối u xơ có thể nằm ở đáy, thân, eo hay cổ tử cung.

Trong một số trường hợp, u xơ tử cung có thể chặn ống dẫn trứng gây khó khăn cho quá trình thụ thai hay u xơ phát triển bên trong tử cung làm cho thai nhi khó phát triển bình thường... Một số phụ nữ có u xơ thường chịu những rủi ro trong thai kỳ và khi sinh. U xơ tử cung có thể gây ra đau vùng chậu và ra máu nhiều sau khi sinh, thậm chí cần phải phẫu thuật.

Bài thuốc y học cổ truyền giúp khối u nhỏ lại, đồng thời giúp khí huyết lưu thông, người phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn dễ thụ thai.

Bài thuốc kinh nghiệm: hương phụ 20g, ích mẫu 20g, ngải cứu 20g, trinh nữ hoàng cung 4g, nghệ vàng 20g.

Hương phụ có tác dụng điều kinh, chỉ thống (giảm đau). Ích mẫu: tiêu thủy, hành huyết, trục huyết cũ, sinh huyết mới, điều kinh, giảm độc. Hương phụ và ích mẫu giúp phụ nữ điều hòa kinh nguyệt, lưu thông khí huyết. Ngải cứu lý khí huyết, đuổi hàn thấp, ấm kinh, ngừng máu, an thai, điều hòa kinh nguyệt, điều trị u nhọt. Nghệ chống viêm, phá ác huyết, u nhọt; giúp sinh cơ (lên da) và chỉ huyết (cầm máu). Trinh nữ hoàng cung được nghiên cứu cho thấy là vị thuốc giúp giảm viêm, tiêu u trong u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến…

Theo kinh nghiệm, bài thuốc này nên dùng từ 1 - 3 tháng, sau liệu trình nên kiểm tra lại bằng siêu âm. Thông thường, phụ nữ khó có con do u xơ tử cung sẽ có con sau khi dùng bài thuốc này.

Thêm bài thuốc chữa vô sinh - hiếm muộn nữ

Trên một cá nhân cụ thể, việc hiếm muộn nhiều khi không chỉ do một nguyên nhân. Người bị u xơ tử cung có khi phải dùng thêm bài thuốc chữa chứng hiếm muộn. Có nhiều bài thuốc để sử dụng trong trường hợp này và cho kết quả cao.

Như trên đã nói, theo y học cổ truyền, u xơ tử cung là do khí huyết tắc trở, kinh nguyệt rối loạn.

Người xưa có câu, khí huyết xung hòa, trăm bệnh không sinh ra. Khí làm hướng đạo cho huyết, huyết làm chỗ dựa cho khí. Khí thuộc dương chủ động mà vận hành, huyết thuộc âm chủ tĩnh mà phụ vào. Tác dụng của khí vô hình là lưu thông, thể chất của huyết hữu hình là nương tựa và giữ gìn. Cho nên khí hành thì huyết theo. Phụ nữ khí huyết suy thường khó sinh con. Các bài thuốc dùng cho trường hợp này chỉ huyết hay chỉ bổ khí thôi thì chưa đủ mà phải bổ cả khí lẫn huyết.

Qua thực tế khám chữa bệnh vô sinh - hiếm muộn, tôi dùng bài Bát trân, gồm: đương quy 4g, xuyên khung 4g, thục địa 4g, bạch thược 4g, nhân sâm (đảng sâm) 4g, phục linh 4g, bạch truật 4g, cam thảo 2g.

Cách dùng: sắc với 2 lát gừng, 2 quả táo uống trước bữa ăn.

Bài Bát trân được hợp lại từ hai bài thuốc là bài Tứ quân (tác dụng bổ khí) và Tứ vật (bổ huyết).

Hải Thượng Lãn Ông cho rằng khí là vệ thuộc dương, huyết là dinh thuộc âm đó là lưỡng nghi ở người, nếu dùng Tứ vật thì cố âm cho nên kết hợp cả Tứ quân để bổ cả khí lẫn huyết không lo âm dương thiên thắng cho nên gọi là Bát trân. Khí huyết sung mãn sẽ sống lâu.

Cấu trúc bài thuốc Tứ vật (bổ huyết) gồm: đương quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g.

Tứ vật là bài thuốc vừa bổ huyết, vừa hoạt huyết (người xưa còn nói bài thuốc này là bài thuốc chuyên để điều huyết “Điều huyết chi chuyên tễ”). Trong bài thuốc có đương quy là bổ huyết, hòa huyết, địa hoàng là bổ huyết tư âm là Quân; bạch thược là dưỡng huyết liễm âm để tăng tính dược của Quân, làm cho chức năng tàng huyết của Can tốt, làm Thần. Xuyên khung có tác dụng hành huyết trong khí làm huyết lưu thông, chống huyết ứ trệ cho nên là Tá và Sứ.

Như vậy bài thuốc này có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết kiêm cả hành khí, cho nên không những điều trị huyết hư mà dùng cho cả huyết ứ trệ.

Bài thuốc Tứ quân (bổ khí) gồm các vị: nhân sâm 12g, phục linh12g, bạch truật 12g, cam thảo (chích) 8g.

Bài thuốc chủ yếu để bổ khí hoặc kiện tỳ, ích khí. Trong đó, nhân sâm bổ khí, bổ chân khí (nguyên khí), bổ 5 tạng có tính cam ôn nên còn kiện tỳ dưỡng vị là Quân; bạch truật khổ ôn để kiện tỳ vận thấp (hóa thấp) phối hợp với nhau để bổ khí kiện Tỳ là Thần; Phục linh cam đạm để thẩm thấp kiện Tỳ giúp bạch truật tăng tác dụng hóa thấp là Tá; Cam thảo chích tính cam ôn cũng là bổ khí hòa trung đưa thuốc vào Tỳ làm chức năng điều hòa các vị thuốc giúp Nhân sâm ích khí và hòa trung là Sứ. Cho nên bài thuốc này bổ khí kiện tỳ mà không gây thấp trệ tăng lên, cơ thể khỏe hơn. Bốn vị này có tính hòa hoãn dễ uống đều làm ăn ngon bổ khí nên gọi là Tứ quân tử.

Bài Bát trân thang gồm 2 bài “Tứ vật” và “Tứ quân” hợp lại thành một bài thuốc có tác dụng song bổ khí huyết, trong bài tứ quân bổ khí, bài tứ vật bổ huyết gia thêm sinh khương, đại táo để điều hòa dinh vệ. Bát trân từ lâu vẫn nổi tiếng là một bài thuốc có công dụng bồi bổ khí huyết, có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống thiếu máu và điều trị các bệnh sản phụ khoa, dùng tốt cho trường hợp rối loạn kinh nguyệt. Trong các trường hợp vô sinh nữ, nhiều người do khí huyết đều hư, sức khỏe suy yếu kinh nguyệt rối loạn… dẫn đến khó có con. Những trường hợp này dùng bài Bát trân rất tốt.

Nhiều trường hợp phụ nữ hiếm muộn dùng bài Bát trân có kết quả tốt. Những người u xơ tử cung sau khi dùng bài thuốc trị u xơ nói trên có thể dùng bài Bát trân để tăng hiệu quả, đạt được nguyện vọng có thai và sinh con.

BS. NGUYỄN PHÚ L M

Những món cháo giải nhiệt trong ngày hè

Mùa hè, thời tiết nóng bức, cơ thể dễ mất nước qua đường mồ hôi để thải nhiệt. Mặt khác, thử và nhiệt dễ tích lại trong cơ thể làm phát sinh các chứng bệnh như mụn nhọt, đinh độc, rôm sẩy, lở ngứa, say nắng, say nóng, viêm đường tiết niệu, trĩ hạ... Trong khi đó, công năng hấp thu và bài tiết của đường tiêu hóa lại rất dễ bị suy giảm do chúng ta uống nhiều nước và dễ lạm dụng đồ sống lạnh. Bởi vậy, việc lựa chọn, chế biến và sử dụng những đồ ăn thức uống vừa dễ ăn, dễ tiêu, cung cấp đủ nước và các chất dinh dưỡng lại vừa có tác dụng thanh nhiệt giải thử, thải độc tiêu viêm là hết sức cần thiết.

Trong dinh dưỡng học cổ truyền, có một loại đồ ăn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, đó là cháo thanh nhiệt giải thử. Thành phần cơ bản của loại cháo này là gạo và các vị thuốc có công dụng thanh nhiệt giải thử, thanh nhiệt lương huyết hoặc thanh nhiệt giải độc. Trong dân gian, chúng ta đã từng biết những loại cháo như cháo đậu xanh, cháo đậu đen, cháo đậu đỏ, cháo trai, cháo hến... nhưng còn rất nhiều loại khác mà nhiều người chưa biết đến. Dưới đây, xin được giới thiệu một vài ví dụ điển hình.

Cháo rau muống: Rau muống 150g, thịt lợn nạc 50g, mã thầy 50g, gạo tẻ 100g, dầu ăn và gia vị vừa đủ. Rau muống rửa sạch, thái vụn; thịt lợn xay hoặc băm nhỏ; mã thầy bỏ vỏ rửa sạch. Đem gạo vo sạch rồi cho vào nồi đun với 1.000ml nước, khi hạt gạo nở tung ra như hoa thì cho rau muống, thịt lợn và mã thầy vào ninh thật nhừ thành cháo. Khi được cho thêm dầu ăn và gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, mát huyết.

Cháo mướp đắng: Mướp đắng 100g, đường phèn 50g, gạo tẻ 100g, gia vị vừa đủ. Mướp đắng bỏ ruột, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ rồi đem ninh với gạo tẻ thành cháo, khi được cho thêm đường phèn và chừng 3g muối tinh, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải thử, tiêu độc và làm sáng mắt, dùng thích hợp cho chứng phiền khát, đái tháo đường, cảm nắng phát sốt, kiết lỵ, đau mắt đỏ, mụn nhọt, rôm sẩy...

Cháo đậu xanh.

Cháo đậu xanh.

Cháo đậu xanh hà diệp: Đậu xanh 30g, hà diệp tươi (lá sen) 1/4 cái, gạo tẻ 100g. Đậu xanh loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cho vào nồi nấu nước. Khi chín, cho gạo tẻ đã vo sạch và lá sen vào ninh nhừ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu thử, bồi bổ sức khỏe, phòng chống béo phì, dùng rất tốt trong những ngày nóng bức, cơ thể mệt mỏi, đầu nặng, mắt hoa, trong ngực chộn rộn khó chịu...

Cháo lê ý dĩ: Lê 500g, ý dĩ 100g, đường phèn 100g. Lê gọt vỏ bỏ hạt, cắt thành quân cờ; ý dĩ đãi sạch, ngâm nước trong 30 phút, vớt ra để ráo nước. Cho cả 3 thứ vào ninh với 1.000ml nước thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt trừ phiền, thanh tâm nhuận phổi, giải khát trừ đàm, bồi bổ sức khỏe, dùng đặc biệt tốt cho những người mắc các chứng bệnh hô hấp mạn tính trong những ngày hè nóng bức.

Cháo nước mía: Gạo tẻ 100g, nước mía 200g. Gạo đãi sạch, cho vào nồi ninh thành cháo loãng, sau đó cho nước mía vào, đun sôi vài dạo là được, chia ăn vài ba lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt trừ phiền, giải khát nhuận táo, bồi bổ cơ thể, dùng rất tốt cho những người mắc các chứng bệnh hô hấp mạn tính, táo bón, viêm lưỡi miệng, mụn nhọt, phiền nhiệt môi khô miệng khát...

Cháo la hán: Quả la hán 50g, thịt lợn nạc 50g, gạo tẻ 100g, dầu ăn, gia vị vừa đủ. Quả la hán cắt thành miếng mỏng, gạo tẻ đãi sạch, thịt lợn băm nhỏ, tất cả cho vào nồi ninh với 1.000ml nước thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải thử, giải khát tiêu đờm, lợi hầu nhuận tràng.

Cháo đạm trúc diệp đậu đỏ: Đạm trúc diệp 100g, đậu đỏ 50g, gạo nếp 100g. Đạm trúc diệp rửa sạch, cắt nhỏ, đậu đỏ và gạo nếp đãi sạch, ngâm trương trong vài giờ, sau đó cho vào nồi nấu với 1.000ml nước, khi hạt gạo sắp nở cho đạm trúc diệp vào nấu nhừ là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi thủy giải độc, lương huyết, dùng rất tốt cho những người bị viêm nhiễm đường tiết niệu, sỏi thận, kiết lỵ ra máu, viêm gan, tăng huyết áp, đái ra máu, mụn nhọt, lở ngứa, phù thũng do thận, do suy dinh dưỡng, xơ gan... trong những ngày hè nóng bức.

Cháo cúc hoa: Cúc hoa 15g, gạo tẻ 100g. Cúc hoa thu hoạch vào mùa thu sương giáng, bỏ cuống, sấy hoặc phơi khô, tán thành bột; gạo tẻ đãi sạch, cho vào nồi nấu với 1.000ml nước thành cháo loãng, khi được cho bột cúc hoa vào đun sôi vài dạo là được, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tán phong thanh nhiệt, thanh can hỏa, giảm huyết áp, làm nhẹ đầu, sáng mắt, dùng đặc biệt tốt cho những người bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bị bệnh lý mạch vành, viêm gan, đau mắt đỏ, hay đau đầu chóng mặt, hoa mắt... trong những ngày thời tiết nóng bức.

Cháo dưa hấu: Dưa hấu 1.000g, cát cánh 25g, đường phèn 100g, gạo tẻ 100g. Dưa hấu bỏ hạt, thái miếng nhỏ; cát cánh cắt thành miếng nhỏ như hạt gạo; gạo tẻ đãi sạch, ngâm nước cho trương lên. Tất cả cho vào nồi ninh nhừ thành cháo loãng, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, giải khát trừ phiền, lợi tiểu, dùng làm đồ giải khát, chữa chứng phát sốt, phiền muộn, bức bối, tiểu tiện vàng, lở ngứa, rôm sẩy... do thời tiết quá nóng bức.

Cháo đậu xanh ngân hoa: Đậu xanh 50g, kim ngân hoa 50g, cam thảo 10g, gạo tẻ 100g. Đậu xanh ngâm nước nửa ngày, kim ngân hoa và cam thảo sắc kỹ rồi bỏ bã lấy nước ninh với gạo và đậu xanh thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, có thể cho thêm một chút đường phèn. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm giải thử, dùng thích hợp cho những người hay bị mụn nhọt, lở ngứa, viêm loét, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ... trong những ngày hè nóng bức.

ThS.Hoàng Khánh Toàn


Món ăn

Ra máu khi đến tháng (kinh nguyệt) và khi sinh nở (sản dịch) là hiện tượng bình thường của người phụ nữ. Tuy nhiên nếu lượng máu ra quá nhiều (còn gọi là băng huyết) sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của chị em. Sau đây xin giới thiệu một số món ăn, bài thuốc tốt cho những chị em "có vấn đề trên" để cùng tham khảo áp dụng khi cần.

Các bài thuốc của Tuệ Tĩnh

Trị băng huyết quá nhiều, xây xẩm, ngất xỉu: hương phụ (giã tróc vỏ), xác gương sen, hoa hòe mỗi vị 4g sao qua; tóc rối đốt ra tro, tê giác sao 2g. Sắc uống.

Trị băng huyết, rong huyết cả khí hư: hương phụ giã nát sao đen tán bột, hòa 8g với nước nóng mà uống là khỏi ngay. Nếu còn ra nhiều thì uống 12g nữa.

Trị băng huyết rong huyết không ngớt, không hề nóng lạnh: gương sen, hoa kinh giới phân lượng bằng nhau đều đốt tồn tính, tán nhỏ mỗi lần uống 8g với nước cơm.

Trị băng huyết mới hoặc lâu, không cầm:

- Mộc nhĩ, cây hòe đốt tồn tính, tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với rượu nóng.

- Hoa đậu ván trắng sấy khô tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với nước cháo cho tí muối. Uống lúc đói.

- Xơ mướp, bẹ móc lượng bằng nhau đốt ra tro, tán nhỏ mỗi lần uống 4g với nước muối hoặc rượu.

- Ô mai nhục 7 quả đốt tồn tính, tán nhỏ mỗi lần uống 4 - 8g với nước cơm vào lúc đói.

- Lá mơ sấy khô, bẹ móc đốt ra tro, hai vị đều nhau, tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với rượu.

- Hột đào đốt tồn tính, tán nhỏ, mỗi lần uống 4 - 8g với rượu. Ngày uống 3 lần.

- Hạt cam già đốt tồn tính, tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với rượu.

- Tóc rối rửa sạch, đốt ra tro tán nhỏ, uống 8g với rượu nóng lúc đói.

Cháo gà trống đen.

Cháo thuốc chữa bệnh

Cháo lá hẹ, ý dĩ: hạt ý dĩ 50g vo sạch, nấu cháo. Cháo chín cho 6g lá hẹ vào. Một quả trứng gà luộc chín, bóc vỏ chấm tiêu bột ăn với cháo ý dĩ. Ngày ăn 2 lần.

Cháo gà trống đen: làm thịt gà trống đen, bỏ ruột, rửa sạch, chặt miếng đun nhừ, nấu với gạo nếp thành cháo cho hạt tiêu, muối. Ăn ngày 2 lần lúc đói.

Cháo cây gai: rễ cây gai tươi 30g, trần bì 10g, đại mạch nhân 50g, gạo lức 50g, một ít muối ăn. Rễ cây gai và trần bì sắc lấy nước, bỏ bã, rồi cho gạo lức và đại mạch nhân vào nấu cháo, cháo chín cho muối vào là ăn được.

Lương y Minh Chánh

6 lợi ích tuyệt vời của nước ép gừng

Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường Gừng có thuộc tính chống tiểu đường và có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nó giúp làm giảm hàm lượng đường huyết...